Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Ngẫm ngợi tục ngữ


Báo Thể Thao Văn Hóa online vừa đăng bài Ngẫm ngợi cuối tuần: sai một li của tác giả Đỗ Đức, bàn về những câu ca dao tục ngữ mà theo tác giả là bị sai lạc do ngôn ngữ dân gian, thậm chí dẫn đến khác biệt hoàn toàn ngữ nghĩa.

Qua cũng ngẫm ngợi lại và thấy có một số vấn đề muốn trao đổi tí ti với tác giả về các câu trên.

1. Về câu “Dán bùa lồn mèo” mà tác giả cho rằng phải là “Dán bùa lộn kèo”, Qua không muốn bàn thêm vì đã có quá nhiều người bàn về vấn đề này rồi. Người thì cho rằng “dán bùa lồn mèo” là đúng và giải thích lồn mèo không phải là lồn mèo mà cũng là lồn mèo (hố hố). Kẻ thì cho ra các dị bản khác như “dán bùa luồn kèo”, “rắn phù (phủ) lồn mèo”, xin mời tự gúc.

Ngoài ra, Qua thấy câu này tính áp dụng không nhiều, phải nói là hầu như không còn xài nữa, nó còn không phổ biến bằng các câu tục ngữ thời a còng như trong tập “Sát thủ đầu mưng mủ” mà họa sĩ Thành Phong tập hợp. Nó được mọi người bàn tới vì thấy nó lạ, khó hiểu và có “lồn” trong đó. Ở đâu có lồn mà chẳng có kẻ bâu vào, phải không ạ?

2. Câu “Có tiền mua tiên cũng được…” cũng không bàn tới vì chỉ cần vế này là xài tốt rồi, cần chi vế sau.
                                                             Source somewhere on internet

      3. Câu "Dâu dữ mất họ, chó dữ mất hàng xóm" mà tác giả cho là “Trâu dữ mất họ…” mới đúng.
Tác giả quá dựa vào từ đồng âm "họ" mà cho rằng từ vế đầu là "trâu". Nếu "họ" với ý nghĩa là "đứng lại", "kêu đứng lại" thì đây là động từ, trong khi ở vế sau, từ "hàng xóm", "láng giềng" là danh từ. 

Các cặp ca dao tục ngữ thường sử dụng câu có tính đối ngẫu, các vế đối song song; do đó, trong câu này, "họ" đối với "hàng xóm", "dâu" đối với "chó" là bình thường.

Các câu ca dao tục ngữ dân gian thường mượn bản chất, hành động của con vật để liên tưởng tới hành động của con người nhằm mục đích khuyên răn, nhấn mạnh hình tượng. Ta có thể thấy ở rất nhiều câu khác, chứ không phải như tác giả võ đoán là “Xưa nào có người dân quê nào ví con dâu với chó bao giờ”. Hãy xem:

- Khôn ngoan đối (đá) đáp người ngoài
  Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.

- Giỡn với chó chó liếm mặt, chơi với trẻ trẻ cỡi lên đầu.

- Đêm ba mươi con chó sủa - Sáng mồng một vợ tôi ho (câu đối vui).

4. Suy luận tương tự, có thể thấy chữ "bán" trong câu "bán anh em xa, mua láng giềng gần" là hợp lý hơn rất nhiều so với "bám". Hai vế đối chan chát: "bán - mua", "anh em - láng giềng", "xa - gần". Nếu là chữ "bám" sẽ mất đi cấu trúc hay này.

Ngoài ra, chữ "bám" thường đi kèm với từ có ý nghĩa gần gũi, dính liền, những cái trực tiếp, trong đầu, trước mắt: ăn bám, đeo bám, bám theo, bám sát; còn trong cụm từ “anh em xa”, rõ ràng dùng chữ “bám” là không thích hợp. Dùng chữ “bám” trong “bám anh em xa” cũng không làm câu đó nhân văn hơn. Nếu muốn thể hiện nghĩa tích cực, có thể dùng chữ “giữ”, “nối”…, khi đó cũng phải thay đổi chữ “mua” ở vế tiếp theo thì mới thích hợp.

5. Câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, tác giả cho rằng phải dùng “dẫu không lịch cũng vẫn người Tràng An” mới đúng. Điều này chẳng thích hợp. Nếu muốn dùng từ lịch lãm, lịch thiệp thì dân gian đã đưa thẳng vào câu rồi, cụm từ “dẫu không lịch lãm cũng”, “dẫu không lịch thiệp cũng” nghe không hay bẳng “dẫu không thanh lịch cũng” nhưng còn tốt hơn rất nhiều “dẫu không lịch cũng vẫn” – nghe rất trúc trắc.

Tóm lại, phần lớn những ngẫm ngợi của tác giả đã đi quá xa, hơn một li so với các câu tục ngữ đề cập.

Bài viết gốc:

Ngẫm ngợi cuối tuần: Sai một ly

Chủ Nhật, 15/04/2012 13:49 

(TT&VH) - 1. Ca dao tục ngữ Việt Nam đã từng được các nhà sưu tầm nghiên cứu dân gian tìm hiểu giới thiệu khá kĩ càng mà rồi trong cuộc sống khi vận dụng vẫn xảy ra nhiều sai lạc, có khi lạc quá nguyên gốc thành vô lí mà người ta cứ nói cứ viết như không.

Ví dụ khi làm xong cái nhà, nhập nhà mới, người dán bùa trấn yểm làm ẩu, cái dán phía Đông lại dán sang phía Tây, mới bảo là “dán bùa lộn kèo”. Bây giờ thành ra thành ngữ “dán bùa l. mèo” dung tục và vô nghĩa mà người ta cứ nói mà không biết là nhầm.

Một câu nữa: “Có tiền mua tiên cũng được/ Không tiền mua được cũng không bị biến thành: "Có tiền mua tiên cũng được/ Không tiền mua lược cũng không”. Sai lệch ở đây là chữ “được” và “lược”. Không tiền thì giá bán có được cũng không mua được. Đã không tiền thì còn mua cái gì được nữa, huống hồ nói chuyên mua lược.

Câu “Trâu dữ mất họ/ Chó dữ mất hàng xóm” bị biến thành “Dâu dữ mất họ/ chó dữ mất láng giềng”. Trâu dữ thì bảo “họ” (đứng lại) nó cũng không nghe. Thế là mất họ... Thì ở đây trâu thành dâu (con dâu), dâu mà dữ tính là mất họ hàng như chơi! Toàn bộ thành ngữ này bị biến nghĩa khác hoàn toàn. Xưa nào có người dân quê nào ví con dâu với chó bao giờ!

Câu: “Vênh váo như khố rợ phải lấm” bị biến thành “Vênh váo như bố vợ phải đấm” thì biến nghĩa một cách hoàn toàn. Ngày xưa  người dân quê thường đóng khố bằng vải rợ (vải dệt thô). Khi đi lội ruộng, bùn lấm lem vào. Lúc khô bùn cứng lại vênh bên nọ vẹo bên kia, hở hang cơ thể, trông thành trò cười nên mới có câu đó.

Câu “Bám anh em xa, mua láng giềng gần” là cách nghĩ và ứng xử mối quan hệ  rất nhân văn trong nhà ngoài ngõ bị biến thành: “Bán anh em xa? Mua láng giềng gần”. “Bám” biến thành “bán”, thì quả là sai một li, đi một dặm, chỉ vì nghĩ chữ “bán” đối với chữ “mua”!

Câu ca dao: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không lịch cũng vẫn người Tràng An” bị dùng một cách phổ biến hiện nay là “Chẳng thơm cũng thể hoa lài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Lịch ở đây là lịch lãm, lịch thiệp, hàm ý rộng hơn, thanh lịch thì là vẻ bề ngoài.

2. Có lần tôi đi dự một lớp phổ biến về môi trường, báo cáo viên bảo rằng nguyên câu của của môi trường của thế giới là giữ cho môi trường “xanh và sạch”, thì Việt Nam nhà ta sang kiến nhồi thêm: “xanh- sạch- đẹp”. Chữ đẹp ở đây thừa, vì tiêu chí về môi trường là màu xanh, và không gian sạch là đầy đủ.

Đúng là ta chẳng giống ai!

Còn có thể tìm ra nhiều ví dụ nữa về việc dễ dãi trong khi dùng thành ngữ tục ngữ. Tuy vậy cũng dễ phát hiện thôi. Khi nghe thấy vô lý hoặc thô thiển thì cần tìm cách tra cứu để nhận diện ra nguyên gốc chứ đừng viết theo thói quen.
                    Bài và tranh minh hoạ: Đỗ Đức

6 nhận xét:

  1. Có Sinh ngữ, có Tử ngữ
    Ngôn ngữ để truyền tải thông tin, nên ngữ nghĩa thay đổi theo thời gian.
    Tuy nhiên tiếng Lừa tùy tiện thay đổi, hẳn là đâm đầu xuống hố.

    Trả lờiXóa
  2. Tục ngữ thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng khác với ý nghĩa hài hước như trong "Sát thủ đầu mưng mủ" lại có thể tạo một hiệu ứng tích cực.

    Việc xét lại tục ngữ nhưng lại nhận định sai như tác giả Đỗ Đức, Qua thấy chẳng tạo cho tục ngữ hiệu ứng tích cực nào khác.

    Tác giả viết "Khi nghe thấy vô lý hoặc thô thiển thì cần tìm cách tra cứu để nhận diện ra nguyên gốc chứ đừng viết theo thói quen" là việc đúng nhưng chưa đủ. Tra cứu phải đi kèm với việc suy luận, thẩm định đúng. Thông tin thì trên Gúc có đầy nhưng đâu phải ai cũng thành thiên tài nhờ nó đâu.

    Trả lờiXóa
  3. Câu:
    Kẻ tám lạng, người nửa cân
    mà sinh thời bà già tớ nói trật thành
    Kẻ tám lạng, người một cân

    Tớ giải thích một cân có 16 lạng, 1/2 cân chính xác bằng 8 lạng, còn 1/2 kí thì khác 8 lạng (800gr). Nửa kí bằng tám lạng, rõ cân điêu.

    Trả lờiXóa
  4. Hehe, vậy là bà già chú Toét áp dụng câu tục ngữ ngoài chợ rồi.

    Còn bà già Qua thì thường chửi: "Trí thức gì mà không thức trí" khi thấy Qua mở máy khuya. Tiêu chuẩn giờ ngủ của bà là 8-9h là phải lên giường.

    Cách hiểu trí thức của bả cũng hay chứ nhỉ?

    Trả lờiXóa
  5. Không có bài mới à, lười thế?

    Trả lờiXóa
  6. Có nhiều ý tưởng rồi bỏ qua. Một phần cũng lu bu công việc quá. Và cũng lười, hehe.

    Trả lờiXóa