Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Con Đường Bựa

Mấy hôm nay bận và lười nên để lốc móc meo hết. Nhân sắp đến ngày Cúng Cô Hồn, tìm kiếm chút gì đăng tạm để cúng lốc, hehe, và để lấy lại cảm hứng viết lốc.

Có nên cúng cô hồn ngày Rằm tháng Bảy?

Bài  này lúc đầu được đặt tên là Bài Đồng Dao Đa Nghĩa Nhất Ever (1) để cồng phụ họa cho loạt bài Bài Đồng Dao Vô Nghĩa Nhất của bà Zì bốt trong mật thất của Quán Bựa, nhưng Qua lại bốt trong bài Chuyện Banh Bóng, thế mới tài.

Bài viết nhân cảm hứng một vài sự kiện xảy ra gần đó (ngày cồng 25/06/12), bốt lại để đánh dấu cho dễ nhớ. Dưới đây là "Bài Đồng Dao", hehe.

Cái cốp cái pha
Cái thì soi gần
Cái thì chiếu xa
Mở con đường riêng
Tập hợp tinh hoa
Đứa ở trong nhà 
Thằng ở ngoài xa
Kẻ vốn ở tù
Người vừa được tha
Bọn thì già hói
Kẻ mới mười ba
Người ở cung đình
Đứa ở hàng ba
Kẻ thích đồ Tàu
Người khoái U-gia (USA)
Văn công đầu bò
Khoác lác ba hoa
Đứa lắc
Đứa gật
Đứa thì bàn vô
Đứa lại nói ra
Thích thích thích
Sợ sợ sợ
Rồi lại tránh xa
Muốn con đường sáng
Lại ngán phong ba
Thôi cứ ở nhà
Cứ hát cứ ca
Chửi thằng hàng xóm
Chửi bố chửi cha
Khà khà khà
Ha ha ha.

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Ngẫm ngợi tục ngữ


Báo Thể Thao Văn Hóa online vừa đăng bài Ngẫm ngợi cuối tuần: sai một li của tác giả Đỗ Đức, bàn về những câu ca dao tục ngữ mà theo tác giả là bị sai lạc do ngôn ngữ dân gian, thậm chí dẫn đến khác biệt hoàn toàn ngữ nghĩa.

Qua cũng ngẫm ngợi lại và thấy có một số vấn đề muốn trao đổi tí ti với tác giả về các câu trên.

1. Về câu “Dán bùa lồn mèo” mà tác giả cho rằng phải là “Dán bùa lộn kèo”, Qua không muốn bàn thêm vì đã có quá nhiều người bàn về vấn đề này rồi. Người thì cho rằng “dán bùa lồn mèo” là đúng và giải thích lồn mèo không phải là lồn mèo mà cũng là lồn mèo (hố hố). Kẻ thì cho ra các dị bản khác như “dán bùa luồn kèo”, “rắn phù (phủ) lồn mèo”, xin mời tự gúc.

Ngoài ra, Qua thấy câu này tính áp dụng không nhiều, phải nói là hầu như không còn xài nữa, nó còn không phổ biến bằng các câu tục ngữ thời a còng như trong tập “Sát thủ đầu mưng mủ” mà họa sĩ Thành Phong tập hợp. Nó được mọi người bàn tới vì thấy nó lạ, khó hiểu và có “lồn” trong đó. Ở đâu có lồn mà chẳng có kẻ bâu vào, phải không ạ?

2. Câu “Có tiền mua tiên cũng được…” cũng không bàn tới vì chỉ cần vế này là xài tốt rồi, cần chi vế sau.
                                                             Source somewhere on internet

      3. Câu "Dâu dữ mất họ, chó dữ mất hàng xóm" mà tác giả cho là “Trâu dữ mất họ…” mới đúng.
Tác giả quá dựa vào từ đồng âm "họ" mà cho rằng từ vế đầu là "trâu". Nếu "họ" với ý nghĩa là "đứng lại", "kêu đứng lại" thì đây là động từ, trong khi ở vế sau, từ "hàng xóm", "láng giềng" là danh từ. 

Các cặp ca dao tục ngữ thường sử dụng câu có tính đối ngẫu, các vế đối song song; do đó, trong câu này, "họ" đối với "hàng xóm", "dâu" đối với "chó" là bình thường.

Các câu ca dao tục ngữ dân gian thường mượn bản chất, hành động của con vật để liên tưởng tới hành động của con người nhằm mục đích khuyên răn, nhấn mạnh hình tượng. Ta có thể thấy ở rất nhiều câu khác, chứ không phải như tác giả võ đoán là “Xưa nào có người dân quê nào ví con dâu với chó bao giờ”. Hãy xem:

- Khôn ngoan đối (đá) đáp người ngoài
  Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.

- Giỡn với chó chó liếm mặt, chơi với trẻ trẻ cỡi lên đầu.

- Đêm ba mươi con chó sủa - Sáng mồng một vợ tôi ho (câu đối vui).

4. Suy luận tương tự, có thể thấy chữ "bán" trong câu "bán anh em xa, mua láng giềng gần" là hợp lý hơn rất nhiều so với "bám". Hai vế đối chan chát: "bán - mua", "anh em - láng giềng", "xa - gần". Nếu là chữ "bám" sẽ mất đi cấu trúc hay này.

Ngoài ra, chữ "bám" thường đi kèm với từ có ý nghĩa gần gũi, dính liền, những cái trực tiếp, trong đầu, trước mắt: ăn bám, đeo bám, bám theo, bám sát; còn trong cụm từ “anh em xa”, rõ ràng dùng chữ “bám” là không thích hợp. Dùng chữ “bám” trong “bám anh em xa” cũng không làm câu đó nhân văn hơn. Nếu muốn thể hiện nghĩa tích cực, có thể dùng chữ “giữ”, “nối”…, khi đó cũng phải thay đổi chữ “mua” ở vế tiếp theo thì mới thích hợp.

5. Câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, tác giả cho rằng phải dùng “dẫu không lịch cũng vẫn người Tràng An” mới đúng. Điều này chẳng thích hợp. Nếu muốn dùng từ lịch lãm, lịch thiệp thì dân gian đã đưa thẳng vào câu rồi, cụm từ “dẫu không lịch lãm cũng”, “dẫu không lịch thiệp cũng” nghe không hay bẳng “dẫu không thanh lịch cũng” nhưng còn tốt hơn rất nhiều “dẫu không lịch cũng vẫn” – nghe rất trúc trắc.

Tóm lại, phần lớn những ngẫm ngợi của tác giả đã đi quá xa, hơn một li so với các câu tục ngữ đề cập.

Bài viết gốc:

Ngẫm ngợi cuối tuần: Sai một ly

Chủ Nhật, 15/04/2012 13:49 

(TT&VH) - 1. Ca dao tục ngữ Việt Nam đã từng được các nhà sưu tầm nghiên cứu dân gian tìm hiểu giới thiệu khá kĩ càng mà rồi trong cuộc sống khi vận dụng vẫn xảy ra nhiều sai lạc, có khi lạc quá nguyên gốc thành vô lí mà người ta cứ nói cứ viết như không.

Ví dụ khi làm xong cái nhà, nhập nhà mới, người dán bùa trấn yểm làm ẩu, cái dán phía Đông lại dán sang phía Tây, mới bảo là “dán bùa lộn kèo”. Bây giờ thành ra thành ngữ “dán bùa l. mèo” dung tục và vô nghĩa mà người ta cứ nói mà không biết là nhầm.

Một câu nữa: “Có tiền mua tiên cũng được/ Không tiền mua được cũng không bị biến thành: "Có tiền mua tiên cũng được/ Không tiền mua lược cũng không”. Sai lệch ở đây là chữ “được” và “lược”. Không tiền thì giá bán có được cũng không mua được. Đã không tiền thì còn mua cái gì được nữa, huống hồ nói chuyên mua lược.

Câu “Trâu dữ mất họ/ Chó dữ mất hàng xóm” bị biến thành “Dâu dữ mất họ/ chó dữ mất láng giềng”. Trâu dữ thì bảo “họ” (đứng lại) nó cũng không nghe. Thế là mất họ... Thì ở đây trâu thành dâu (con dâu), dâu mà dữ tính là mất họ hàng như chơi! Toàn bộ thành ngữ này bị biến nghĩa khác hoàn toàn. Xưa nào có người dân quê nào ví con dâu với chó bao giờ!

Câu: “Vênh váo như khố rợ phải lấm” bị biến thành “Vênh váo như bố vợ phải đấm” thì biến nghĩa một cách hoàn toàn. Ngày xưa  người dân quê thường đóng khố bằng vải rợ (vải dệt thô). Khi đi lội ruộng, bùn lấm lem vào. Lúc khô bùn cứng lại vênh bên nọ vẹo bên kia, hở hang cơ thể, trông thành trò cười nên mới có câu đó.

Câu “Bám anh em xa, mua láng giềng gần” là cách nghĩ và ứng xử mối quan hệ  rất nhân văn trong nhà ngoài ngõ bị biến thành: “Bán anh em xa? Mua láng giềng gần”. “Bám” biến thành “bán”, thì quả là sai một li, đi một dặm, chỉ vì nghĩ chữ “bán” đối với chữ “mua”!

Câu ca dao: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không lịch cũng vẫn người Tràng An” bị dùng một cách phổ biến hiện nay là “Chẳng thơm cũng thể hoa lài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Lịch ở đây là lịch lãm, lịch thiệp, hàm ý rộng hơn, thanh lịch thì là vẻ bề ngoài.

2. Có lần tôi đi dự một lớp phổ biến về môi trường, báo cáo viên bảo rằng nguyên câu của của môi trường của thế giới là giữ cho môi trường “xanh và sạch”, thì Việt Nam nhà ta sang kiến nhồi thêm: “xanh- sạch- đẹp”. Chữ đẹp ở đây thừa, vì tiêu chí về môi trường là màu xanh, và không gian sạch là đầy đủ.

Đúng là ta chẳng giống ai!

Còn có thể tìm ra nhiều ví dụ nữa về việc dễ dãi trong khi dùng thành ngữ tục ngữ. Tuy vậy cũng dễ phát hiện thôi. Khi nghe thấy vô lý hoặc thô thiển thì cần tìm cách tra cứu để nhận diện ra nguyên gốc chứ đừng viết theo thói quen.
                    Bài và tranh minh hoạ: Đỗ Đức

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Xít Games và Axit Games


BỔN CŨ SOẠN LẠI


*** Xít games là thứ vớ vẩn, vô bổ bậc nhất cho thể thao, cho du lịch, cho giải trí hay cho bất cứ thứ gì người ta gán vào nó, ở khu vực Asean.
Axít games, tầm khu vực vì thêm mấy anh to đầu như Khựa, Nhựt nên đỡ hơn tí đỉnh. 

Với kinh nghiệm 11 lần tham dự trực tiếp xít và axít, cộng với có tên trong thành phần ủy ban Ôbíc Việt, Beo sẵn sàng cãi nhau tay đôi với ai nói ngược lại nhận định trên. Nhưng có lẽ, nếu không vì  bảo vệ cái gì đó,  sẽ bói không ra người dám cãi, nhất là dân trong  ngành thể thao.
Xít. Cái chuyện nhất nhị tam tứ huy chương, coi như xong  từ lúc nhận quyết định đăng cai, khẳng định lần chót vào lúc quyết định số môn thi đấu. Chỉ khổ thân cho các vận động viên (trừ bọn bóng đá). Hành xác cả năm trời ăn thiếu mặc xấu chặn chia tứ tung và, chúng nó là thành phần duy nhất trung thực.


*** Đã thế, xít ta khác hẳn xít người. So sánh với Thái đi, vì Thái khá máu mê hứng mấy xít này.
Hẳn mọi người chưa thể quên xít Việt năm 2003 trống dong cờ mở uỳnh oàng khắp cõi trước đó đến dăm tháng. Một cái bản chả ai nói được tiếng kinh mà  gia nào cũng dán áphích xít không cổng cửa thì  bờ rào dậu. Tình thành ngành nghề, tưng bừng miễn nói. Rồi thì  hát xướng chuyên trang phụ trang rợp như bươm bướm. Có điều này thấy cũng cần nhấn, tất thảy tiền hết, tiền nhà nước chăm phần chăm.
Trong khi đó, ngoại trừ một tổ tình nguyện viên nhằm giúp việc nhập cảnh thuận lợi tại sân bay, quá  bán kính 1 cây số từ các địa điểm thi đấu thì đừng mơ dòm thấy cờ phướn gì liên quan đến xít ở Thái. Ngoặc phát là vụ tuyên truyền quá đà thiếu quá đã, xít Thái và  các nước không phải Việt, giống nhau. Thậm chí tờ báo hàng đầu Mã còn đưa tin on-off, ngày hẩu lắm thì cho bằng cái ô như ô cáo phó trên báo Việt.

*** Đã thế, xít ta khác hẳn xít người. Người gom vào một chỗ, tiết kiệm được hàng chục chi phí vô lí cho các đoàn bạn và nhất là cho chính ta. Ta, bánh ngon quá chia tứ lung tung.
Nhưng, chia chác thế chưa tốn bằng khi ta… tiết kiệm.
Xây khu  thể thao, chọn mẫu thiết kế của Tàu thay vì của Đức để tiết kiệm (chính xác là 3 triệu Obama). Hu hu, Cầu xây xong đã lâu không thấy người  lộ chuyện đưa dâu….
Đố ai biết,  xít năm ấy, 10 năm sau đã tất toán xong chưa?

*** Đọc đến đây  hẳn có người cáu, Beo rảnh quá biên mấy chuyện ai cũng biết, bày đặt đố.
Chẳng cũ tí nào. Khi thiên hạ  bỏ  danh chạy lấy của gần hết, ta, đang soạn lại bổn cũ ấy với axit 2019 kia kìa.

Nguồn: Blog Beo

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Thần Đồng Nguyễn Bình

"Thần đồng là thằng đần"

- Báo chí và giới phê bình bắt đầu gọi tác giả 10 tuổi của "Cuộc chiến hành tinh Phantom" bằng hai tiếng "thần đồng", ngay sau khi cuốn sách ra mắt tháng 11/2011. Thật sự thì cậu bé Nguyễn Bình đã nghĩ gì về danh xưng ấy?... Vẫn là cái nhìn thế giới bằng con mắt tuổi thơ trong trẻo và ngây thơ, nhưng cuộc trò chuyện với Nguyễn Bình thật thú vị và cho người lớn nhiều suy ngẫm.



Nguyễn Bình - tác giả cuốn sách "Cuộc chiến hành tinh Phantom"
Phóng viên (PV): Em vừa viết cuốn truyện “Cuộc chiến hành tinh Phantom”, em có thấy cuộc sống của mình thay đổi?
Nguyễn Bình: Em không có bất cứ sự thay đổi nào. Chính xác thì là chưa thấy.
PV: Em đọc sách từ năm bao nhiêu tuổi?
Nguyễn Bình: Từ năm ba – bốn tuổi.
PV: Những cuốn sách thu hút em nhất ở điều gì?
Nguyễn Bình: Nó có rất nhiều kiến thức về thế giới, về các nền văn minh.
PV: Trẻ con thường thích trò chơi, phim hoạt hình, truyện tranh, thích đi đến những khu vui chơi giải trí.
Nhưng bố em kể rằng khi em được bố đưa vào TP.HCM trong đợt ra mắt cuốn sách, em không xin đến Đầm Sen, đến vườn bách thú, mà lại  xin bố đưa những địa danh văn hóa, địa danh lịch sử để tìm hiểu. Sở thích của em có vẻ hoàn toàn khác những đứa trẻ bình thường.
Đã bao giờ em thích những gì mà trẻ con bình thường thích chưa? Ví dụ như phim hoạt hình chẳng hạn?
Nguyễn Bình: Phim hoạt hình thì em thích nhất phim hoạt hình của Mỹ, sau đó đến hoạt hình của Anh và Pháp. Chỉ 3 nước đó thôi. Truyện tranh thì em chỉ đọc duy nhất Doremon, còn những chuyện khác em ko thích. Em không thích những mô típ  lặp lại quá nhiều trong truyện tranh bây giờ.
PV: Thế Doremon có gì thu hút em?
Nguyễn Bình: Bởi vì nó cho em nhiều những kiến thức: thế giới tương lai trong trí tưởng tượng của tác giả. Doremon giúp em hình dung ra cả đất nước và cuộc sống của người Nhật.
PV: Ông tác giả của cuốn truyện tranh nổi tiếng Doremon tưởng tượng ra nước Nhật trong tương lai là một nước Nhật thế này thế kia… Có bao giờ em tưởng tượng ra Việt Nam mình trong tương lai sẽ thế nào không?
Nguyễn Bình: Em nghĩ việc dự đoán tương lai là của các nhà tiên tri. Không phải của em. Em cũng thấy thật  khó tưởng tượng được tương lai VN sẽ thế nào. Vì tính đến hiện tại, em không thấy cái gì mới cả.
PV: Em bắt đầu tưởng tượng ra câu chuyện “Cuộc chiến hành tinh Phantom” đó như thế nào?
Nguyễn Bình: Em bắt đầu tưởng tượng ra câu chuyện đó từ năm 2010.
PV: Ý tưởng của câu chuyện đó bắt đầu từ đâu?
Nguyễn Bình: Em cũng không rõ nữa. Tự nhiên có một ngày nó xuất hiện trong đầu em thôi. Thế là em bắt đầu cần một cuốn sổ để ghi chép những ý tưởng đó. Sau đó em bắt đầu nghĩ đến việc viết một cuốn sách từ những ghi chép của mình.
PV: Để phục vụ cho cuốn sách đó, em bắt đầu ghi chép những cái gì và tìm kiếm thêm những thông tin gì? Chị hỏi thế bởi chị đọc cuốn sách đó và thấy từng chi tiết trong cuốn sách đó có rất nhiều thông tin?
Nguyễn Bình: Em tìm tất cả những gì em nghĩ ra. Thật may là Internet có hết.
PV: Một nhà thơ, một nhà văn coi mỗi bài thơ, mỗi truyện ngắn với họ như một đứa con tinh thần.  Còn em, em coi nó là gì? Một điều em tâm huyết hay đơn thuần chỉ là một trò chơi của một cậu bé?
Nguyễn Bình: Em chỉ coi nó là một cuốn sổ ghi chép. Đơn giản thế thôi ạ. Một cuốn sổ ghi chép để ghi lại những ý  tưởng, kiến thức của mình, để sau này mình có thể tìm lại khi mình quên đi một điều gì đó. À, chính xác thì em nghĩ như chị nói cũng đúng, có thể coi đó là trò chơi.
PV: Để viết cuốn truyện này, em đã ghi bao nhiêu cuốn sổ?
Nguyễn Bình: “Cuốn sổ” của em là những file word trên máy tính.
PV: Bố em nói em thân thiết với chiếc máy tính và coi nó như một người bạn. Em bắt đầu làm quen với máy tính từ bao giờ?
Nguyễn Bình: Từ hồi ba tuổi.
PV: Em biết chữ từ năm mấy tuổi?
Nguyễn Bình: Từ hồi hai tuổi chị ạ.
PV: Chị từng nghe một câu chuyện về em: từ năm em bốn tuổi, em đã dùng điện thoại nhắn cho bố em một cái tin nhắn mà ai đọc xong cũng cười: “Ông Hòa ơi, ông về thì mua cho tôi một cuốn từ điển Hán – Việt” – chuyện đó đúng chứ?
Nguyễn Bình: Đó là sự thật đấy ạ.
PV: Tại sao em lại thích cuốn từ điển Hán Việt đó?
Nguyễn Bình: Đó là một câu chuyện dài. Theo chị thì em có nên kể không ạ?
PV: Nên chứ.
Nguyễn Bình: Hồi đó chị Ngọc (chị gái đầu của em) vắng mặt ở nhà. Chị ấy đi thực tập ở đâu đó em cũng không nhớ rõ. Em nhớ chị ấy. Trên tường nhà hồi đó có treo một bức thư pháp.
Em mới mày mò xem chữ đó là chữ gì. Em bảo mẹ em lục máy tính thì biết đó là chữ Hán. Em thích cái kiểu chữ Hán, vì em thấy nó lạ lạ hay hay. Nên em đã nhờ bố em mua cuốn từ điển đó.
PV: Chị nghe nói em có thể đọc thông viết thạo chữ Hán. Mà chữ Hán học rất khó. Em học trong bao lâu thì có thể đạt đến trình độ đó?
Nguyễn Bình: Em cũng không nhớ nữa. Nói chung khoảng thời gian đó dài hơn một năm.
PV: Em học nó bằng cách nào?
Nguyễn Bình: Em nhờ bố em mua cuốn từ điển Hán – Việt. Có chữ gì khó thì em tra trong từ điển hoặc search trên máy tính.
PV: Hiện giờ em có thể viết được những ngoại ngữ nào?
Nguyễn Bình: Em cũng chẳng rõ. Em từng nói được tiếng Hán, tiếng Nhật, nhưng giờ em bỏ rồi. Giờ em biết tiếng Anh.
PV: Em có đang học thêm một loại tiếng nào không?
Nguyễn Bình: Em học chữ tượng hình Ai Cập.
PV: Em biết chữ tượng hình Ai Cập trong hoàn cảnh nào? Khi em đi nghiên cứu văn hóa cổ đại Ai Cập?
Nguyễn Bình: Đúng thế ạ.
PV: Bố mẹ em rất kỳ vọng vào em, chị nghĩ như thế không biết có đúng không? Em có bao giờ áp lực về việc sau này mình sẽ phải trở thành người như thế này, thế kia không?
Nguyễn Bình: Em có biết điều đó nhưng em không để ý lắm nên em chẳng có áp lực gì cả.
PV: Trong con mắt của em, thì bố em – một nhà phê bình và bố em - ở vai trò một ông bố thì có gì khác nhau?
Nguyễn Bình: Nhà phê bình thì thường nghiêm túc. Bố em cũng nghiêm túc nhưng trong gia đình, bố em rất hay đùa. Thỉnh thoảng bố em xuyên tạc những bài hát.
PV: Bố em có cuốn “Bàn phím và cây búa”, em đã đọc cuốn sách đó chưa?
Nguyễn Bình: Em chưa đọc. Em không hiểu về báo chí.
PV: Em có bao giờ đọc các tác phẩm văn chương không?
Nguyễn Bình: Tính đến giờ em mới chỉ đọc tiểu thuyết thôi. Từ những ông như Jules Verne (Hai vạn dặm dưới đáy biển), đến Ellison (người vô hình)  một số tác giả người Mỹ và người Anh.
PV: Cảm giác của em thế nào khi mọi người gọi em là thần đồng?
Nguyễn Bình: Em không thích mọi người gọi em là thần đồng.
PV: Nếu em tự giới thiệu chân dung của mình, em sẽ nói gì?
Nguyễn Bình: Em cũng không rõ nữa. Em thấy thật khó để biết mình là người như thế nào và nói cho mọi người biết mình thế nào.
PV: Em nghĩ sao về hai chữ thần đồng?
Nguyễn Bình: Em nghĩ thần đồng là thằng đần. Đấy là sự thật đấy ạ. Em không thích cái từ đó. Em chẳng thích gọi là gì. Chỉ thích được gọi là Nguyễn Bình thôi.
PV: Bố em rất tự hào về những gì em làm được. Nhưng chị biết bố em vẫn có những cái nhắc nhở, uốn nắn, vì bố em sợ việc mọi người ca ngợi nhiều quá sẽ khiến em kiêu ngạo. Khi em viết xong cuốn truyện này, bố em có dặn dò gì không?
Nguyễn Bình: Bố em dặn dò rất nhiều.
PV: Trong những điều bố em dặn dò, em thấy điều gì quan trọng nhất?
Nguyễn Bình: Em cũng không biết ạ.
PV: Một ngày của em, em làm những gì?
Nguyễn Bình: Em viết lách và chơi game.
PV: Em thích game gì?
Nguyễn Bình: Game Angry Bird. Cái game của Mỹ có mấy con chim bắn nhau với mấy con lợn ấy ạ. Chị cứ về search trên google sẽ cho ra một loạt kết quả. Đây, để em search cho chị luôn.
PV: Em có thích chơi các game khác nữa không? Ví dụ những game mà trẻ con bây giờ hay chơi?
Nguyễn Bình: Không ạ. Em không thích các game bạo lực.
PV: Em có tâm đắc với một cuốn sách nào không?
Nguyễn Bình: Không có cuốn nào cả. Tâm đắc nhất của em bây giờ là chó.
PV: Tại sao lại là chó mà không phải là một cuốn sách?
Nguyễn Bình: Bởi vì bây giờ em đang rất thích chó.
PV: Sở thích của em có vẻ thay đổi theo thời gian thì phải. Từ nãy đến giờ chị thấy em đã chuyển từ thích tiếng Hán, sang tiếng Anh, tiếng Nhật và chữ tượng hình Ai Cập. Em thích chó, em có nuôi chó không?
Nguyễn Bình: Em mơ ước nuôi chó nhưng không nuôi được.
PV: Tại sao?
Nguyễn Bình: Em bị hen.
PV: Em có bao giờ để ý đến cuộc sống của mọi người xung quanh?
Nguyễn Bình: Em không quan tâm.
PV: Không quan tâm đến thế giới xung quanh mình, vậy em có quan tâm đến một thế giới nào đó không?
Nguyễn Bình: Nếu là thế giới của những loài chó thì em quan tâm.
PV: Thế giới của chúng có gì thú vị?
Nguyễn Bình: Em thích loài chó vì chúng tinh khôn và trung thành với chủ. Em thích chó vùng cực vì chúng rất đẹp. Chó Tây Tạng là loài chó chiến binh dũng mãnh và cổ xưa. Còn chó Đức thì em thích vì chúng là chó cảnh sát. Chó Anh và chó Pháp thì bé và xinh xắn nên em cũng thích.
PV: Trong tất cả các loài chó đó, em thích loài chó nào nhất?
Nguyễn Bình: Chó Alaska Malamute ạ. Loài chó đó lông cực xù, đuôi cực cong và tuyệt đẹp. Chị  thấy chị cũng sẽ thích ngay. Nó rất giống con sói, rất to. Mặc dù nó chẳng liên quan gì đến sói.
PV: Em có rất nhiều sở thích. Có bao giờ em đòi hỏi bố em đáp ứng những sở thích của em không?
Nguyễn Bình: Thường thì bố mẹ em không chiều.
PV: Thế bố mẹ em chiều trong trường hợp nào?
Nguyễn Bình: Thường thì bố em sẽ không từ chối nếu em đòi bố em mua cho em một cuốn sách. Hoặc nhờ bố in cho một tài liệu nào đó. Những yêu cầu đại loại như thế sẽ được đáp ứng ngay trong ngày hôm sau.
PV: Em có những tố chất đặc biệt hơn so với những đứa trẻ khác. Vậy em  có thấy bố mẹ em đối xử với em khác so với những ông bố bà mẹ bình thường đối xử với những đứa con bình thường không?
Nguyễn Bình: Dạ, khác ạ.  Hôm trước ở buổi trả lời phỏng vấn trong Sài Gòn, bố em cũng nói, các ông bà mẹ khác không  cho con sử dụng máy vi tính, nhưng bố em cho em dùng máy tính từ khi còn nhỏ.
Cũng có ông bố bà mẹ cho con dùng máy vi tính nhưng không cho con dùng internet vì sợ con vào chơi game online. Nhưng bố mẹ em cho em sử dụng internet thoải mái.
PV: Em có muốn thành một vĩ nhân, một nhà khoa học nổi tiếng…hay không?
Nguyễn Bình: Dạ không ạ. Em chỉ thấy thế này là tốt rồi và ngày ngày được trêu chó nữa ạ.Em vốn là người rất thích chó. Nhưng đừng trêu nó nhiều quá không nó sẽ tức.
PV: Khi gặp một cái gì đó khiến em quan tâm, em sẽ làm gì?
Nguyễn Bình: Ví dụ hôm trước em đi ra cửa hàng, em nhìn thấy rất nhiều con thuyền mô hình. Em lập tức về nhà search những thông tin về con thuyền đó. Thấy bất cứ cái gì lạ lạ, em cũng search cho bằng được mới thôi, bao giờ cũng thế.
PV: Một cậu bé đặc biệt như em thì có hay mơ ngủ không và thường mơ về những giấc mơ gì?
Nguyễn Bình: Em toàn mơ về chó thôi ạ.
PV: Bởi vì thời điểm này em đang thích chó. Thế trước khi thích chó thì em mơ về cái gì?
Nguyễn Bình: Em nghĩ đến cái gì thì sẽ mơ cái đó.  Ví dụ như giai đoạn trước em xem phim kinh dị, đêm ngủ em mơ đúng lại cái bộ phim kinh dị đó, chỉ khác là em biến bộ phim đó thành một cái rất buồn cười.
PV: Ngoài sở thích với ngôn ngữ, với sách vở, với động vật, các sở thích khác của em có thường xuyên thay đổi không?
Nguyễn Bình: Dạ có ạ.
PV: Nguyên nhân thay đổi là do đâu?
Nguyễn Bình: Nó có từ trong những cái đó. Có thứ hôm nay em thấy rất hay, nhưng ngày mai lại khác. Hôm nay em thích xem phim hoạt hình “báo hồng”.Ngày mai em lại thích xem các loại phim phiêu lưu. Rồi ngày hôm sau tự nhiên em lại thích xem phim hoạt hình “báo hồng”. Mỗi ngày em lại thấy một điều gì hay trong một việc gì đó.
PV: Những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình – nhiều người trong số đó là bạn của bố em, họ bàn luận về em rất nhiều. Họ nói rất có thể trong tương lai em sẽ trở thành một nhà văn nổi tiếng. Cũng có người nói lớn lên em sẽ không viết văn nữa. Em nghĩ gì khi nghe những dự đoán của mọi người về mình?
Nguyễn Bình: Em chẳng biết nữa?
PV: Em không quan tâm đến những gì người ta nói về mình?
Nguyễn Bình: Dạ không ạ. Dù khen hay chê em cũng không quan tâm. Em không muốn nghe ai khen mình, cũng chẳng quan tâm khi nghe ai chê mình.
PV: Sắp tới em sẽ nghĩ em sẽ học thêm một ngôn ngữ nào đó không?
Nguyễn Bình: Em muốn học ngôn ngữ của loài chó. Tức là tiếng chó sủa ấy ạ.
PV: Em có nghĩ con người sẽ hiểu được ngôn ngữ của loài chó không?
Nguyễn Bình: Hầu hết mọi người hiểu được ý nghĩ của loài chó qua nét mặt và độ vang của tiếng sủa.
PV: Hiện tại bây giờ em đã bắt đầu tìm hiểu về nó chưa?
Nguyễn Bình: Em đã biết sủa như chó rồi ạ.
PV: Sủa như thế nào?
Nguyễn Bình: Chỉ cần uốn cong lưỡi lên và “gâu gâu, gầu gầu” cho thật giống tiếng chó sủa.
PV: Em biết bao nhiêu cách sủa của loài chó?
Nguyễn Bình: Khoảng mấy chục tiếng sủa. Em sủa đến nỗi mà các con chó phải sủa theo.
PV: Em đã sủa thử với chó rồi sao?
Nguyễn Bình: Em thử nhiều lần rồi. Có lần em hú như chó sói, một con chó quay lại nhìn em kinh sợ.
PV: Làm thế nào em có thể bắt chước tài tình như thế?
Nguyễn Bình: Em nghe đi nghe lại và thử tìm mọi cách để tạo ra âm thanh đó.
PV: Em có mơ ước  được đi đến một vùng đất nào trên thế giới không?
Nguyễn Bình: Em thích nước Mỹ. Vì lịch sử của nước Mỹ  rất hay. Nhưng đôi khi em không thích, vì nước Mỹ có nhiều ma.
PV: Em có sợ ma không?
Nguyễn Bình: Không. Nói chính xác hơn là sợ vừa vừa.
PV: Nghĩa là nếu có một con ma xuất hiện trước mặt em thì em sợ đúng không?
Nguyễn Bình: Ai nhìn thấy ma mà chẳng sợ.
PV: Nhưng có người không tin có ma.
Nguyễn Bình: Cứ đưa người ta đến chỗ có ma, người ta sẽ sợ.
PV: Em có tin là có ma không?
Nguyễn Bình: Em xem ảnh ma lâu rồi ạ. Nếu chị xem thì chị cũng thấy sợ (lập tức mở google ra để giới thiệu về các ảnh ma). Những ảnh này không phải ảnh photoshop đâu mà là ảnh thật hết. Ở Nhà Trắng  cũng có mấy con ma.
Rất nhiều nơi trên thế giới bị ma ám. Có những nơi có cả lời nguyền nữa.Như những lăng mộ Ai Cập. Gia đình Tổng thống Kennedy chết rất nhiều vì họ bị một lời nguyền.
PV: Em có tin vào tâm linh, vào lời nguyền và những bí mật cổ xưa không?
Nguyễn Bình: Những bí mật cổ xưa và những lời nguyền thì em đều lý giải rằng  đó là một dạng công nghệ của thời cổ đại đã thất truyền.
Những công nghệ này được người cổ đại sử dụng sai cách, tạo ra những lời nguyền đó.  Thật ra em cho rằng những công nghệ đó là những công nghệ của người ngoài trái đất.
PV: Có phải chính vì thường xuyên nghĩ về “những công nghệ của người ngoài trái đất” ấy mà em  bắt đầu hình dung về một thế giới ngoài trái đất không?
Nguyễn Bình: Đúng như thế ạ. Đúng là sự thật đấy. Chị nhất định phải xem những bộ phim về người ngoài hành tinh thời cổ đại.
PV: Nhất định chị sẽ xem. Thế em có bao giờ tìm hiểu về những lời nguyền cổ xưa không?
Nguyễn Bình: Hồi sáu – bảy tuổi em tìm hiểu rất nhiều.
PV: Em thấy lời nguyền cổ xưa nào đáng sợ nhất?
Nguyễn Bình: Những lời nguyền đáng sợ nhất đều liên quan đến những lăng mộ cổ ở Ai Cập. Đặc biệt là lời nguyền của Tutan – Khamun (một Pharaoh nổi tiếng của Ai Cập cổ đại). Sau đó là lời nguyền của Super man.
Chẳng hiểu sao những ai đóng Super man sau đó đều chết hoặc bị thương nặng vì một tai nạn nào đó. Còn lời nguyền của chiếc Porsche 550 Spyder tên Little Bastard do tài tử James Dean lái.
Sau khi James Dean qua đời vì một tai nạn với chiếc Porsche này, rất nhiều sự việc kì quái đã xảy ra với chiếc xe này, khiến nhiều người bị chết và bị thương nặng. Cuối cùng nó biết mất mà không ai lý giải được tại sao.
PV: Những lời nguyền – cái mà em gọi là những công nghệ cổ xưa – theo em nó tốt hay xấu?
Nguyễn Bình: Đôi khi có những cái tốt, đôi khi có những cái xấu. Nhưng em thấy hầu hết tất cả được sử dụng sai mục đích.
PV: Theo em thế nào thì mới là sử dụng đúng mục đích?
Nguyễn Bình: Ví dụ cái xe của James Dean, nếu lời nguyền được sử dụng đúng mục  đích thì khi người ta đi trên cái xe đó, người ta phải thành tỉ phú hay gặp những điều may mắn, chứ không thể gặp tai nạn.
PV: Như em nói, những công nghệ cổ xưa, nếu con người cổ đại muốn sử dụng đúng nó, thì họ phải làm gì với nó?
Nguyễn Bình: Họ luôn luôn phải tìm cách sử dụng đúng nó. Trong các truyền thuyết, ông thần này, ông thần kia sử dụng phép thuật, vũ khí. Nhưng em tin họ không phải là thần. Họ là người ngoài hành tinh.
PV: Vậy ngay cả những vị thần trên đỉnh Olympus trong thần thoại Hy Lạp, em cũng tin họ là người ngoài hành tinh?
Nguyễn Bình: Đúng thế. Em có rất nhiều bằng chứng.  Chẳng hạn như việc trên đỉnh Olympus có những quầng sáng và những quầng sáng đó bay lên trời. Thế thì chẳng khác gì UFO bay lên cả.
PV: Chúng ta tiếp tục nói về những lời nguyền cổ xưa một chút nhé.  Em nói rằng những lời nguyền cổ xưa được sử dụng sai mục đích. 
Nhưng lời nguyền trong những lăng mộ của Pharaoh Ai Cập phục vụ để nguyền rủa những kẻ xâm phạm sự an nghỉ vĩnh hằng của các Pharaoh. Vậy em thấy lời nguyền có mặt tốt mặt xấu gì không, hay em thấy xấu cả?
Nguyễn Bình: Lời nguyền sẽ tốt  nếu ám lên những kẻ xấu, kẻ giết người, kẻ cướp, những tên trộm lăng mộ; còn sẽ là lời nguyền xấu nếu ám lên những người vô tội.
PV: Em có bao giờ sợ mình sẽ gặp phải một lời nguyền nào đó không?
Nguyễn Bình: Em không sợ. Theo em tất cả các lời nguyền đều đã thất truyền hoặc được giải mã hết rồi.
PV: Em có thấy ở Việt Nam có lời nguyền cổ xưa nào không?
Nguyễn Bình: Dạ, em không biết ạ.
PV: Chị có cảm giác em chỉ tìm hiểu về những thứ ngoài Việt Nam, còn Việt Nam thì có vẻ em không quan tâm, đúng không?
Nguyễn Bình: Vâng.Vì ở Việt Nam ít thứ bí ẩn. Khi khám phá các nước khác, em thấy dễ tưởng tượng hơn. Còn ở Việt Nam thì thật khó cho việc tưởng tượng.
Ví dụ như trận chiến trên sông Bạch Đằng chẳng hạn, em không thấy dễ tưởng tượng bằng trận chiến của quân Pháp trên sông Nile (còn được gọi là trận vịnh Aboukir).
PV: Em ấn tượng với những trận chiến nào trong lịch sử nhân loại?
Nguyễn Bình: Những trận chiến trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất; cuộc xâm lăng của Napoleon; cuộc nội chiến ở Mỹ.
PV: Tại sao em lại thấy những trận chiến của những nước khác lại ấn tượng và dễ hình dung hơn những trận chiến của Việt Nam?
Nguyễn Bình: Vì nó để lại nhiều chứng tích và thông tin hơn. Lên mạng, thấy những trận chiến lớn trên thế giới search google bằng tiếng nước nào cũng có. Những trận chiến của Việt Nam chỉ có mỗi tiếng Việt.
PV: Em có vẻ say mê nước Mỹ. Tại sao nước Mỹ thu hút em?
Nguyễn Bình: Vì rất nhiều mặt. Kiến trúc độc đáo, lịch sử có nhiều sự kiện nổi bật, công nghệ phát triển từng ngày. Em cũng thích Mexico và Nhật ngày xưa. Mexico là nơi tập trung của rất nhiều nền văn hóa khác nhau.
PV: Em thích mọi người đối xử với em như thế nào? Như một đứa trẻ mười tuổi hay như một người lớn?
Nguyễn Bình: Dĩ nhiên là em thích được đối xử như một người lớn. Em không thích bị gọi là bé ơi, bé à, cưng ơi, cưng à hay đại loại thế.
PV: Cám ơn em.
  • Vân Sam (chọn từ Nghệ thuật mới - số 2)
Nguồn: VietNamNet

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Trí thức là gì mà bàn mãi

Một bài viết hay của GS Nguyễn Ngọc Lanh bàn về trí thức. Nguồn: Vietnamnet

'Trí thức', một từ nhập nội

- Trong khoa học tự nhiên hay xã hội, nếu chúng ta không sáng tạo được một từ hàm chứa một khái niệm mới về học thuật, thì cứ việc nhập nội mà dùng.





Nhận ra nội dung khác lạ của một từ mới
Số từ ngữ gốc Hán chiếm quá nửa hoặc 2/3 kho từ vựng của ta, Dưới thời phong kiến điều này dễ hiểu. Nhưng thời Pháp thuộc, các từ gốc Âu vẫn cứ phải qua sách báo chữ Hán để nhập nội, nói lên ảnh hưởng quá sâu của văn hoá Trung Hoa. Nguyên tử, vi trùng, dân chủ, tự do… dù viết bằng quốc ngữ vẫn được khuân về từ sách chữ Hán.
Duy “trí thức” là ngoại lệ. Nó do ông cha ta tạo ra để chuyển nghĩa “intellectuel” (Pháp),
Hẳn sĩ phu Trung Quốc cũng sớm biết tới “intellectuel”, nhưng họ dịch là “tri thức phần tử”. Ở đây, “phần tử” là người (như, phần tử phản động, phần từ bất mãn…). Vậy, trí thức là “người hiểu biết” – chẳng qua, cũng cùng nội hàm với “người có học” của ta.
Sau Đông Kinh Nghĩa Thục, giới “có học” nước ta thông hiểu cả chữ Hán và chữ Pháp. Để chuyển ngữ “intellectuel”, các cụ không dùng những từ có sẵn (như: người “có học”, kẻ sĩ, sĩ phu, học giả hoặc bác học…v.v.) . Mà là “trí thức” (trí tuệ và thức tỉnh?). Hẳn các cụ đã cân nhắc kỹ khi nhận ra một khái niệm rất mới mẻ, hàm chứa trong “trí thức”. Gần trăm năm rồi, liệu con cháu có cần nhớ tới lựa chọn của cha ông nữa hay không?.
Với chính dân Pháp, “intellectual” cũng rất mới
Nó mới về hình thức, vì vốn là tính từ nhưng có người (liều lĩnh) sử dụng như danh từ… Nhưng quan trọng là dần dần mọi người nhận ra nó gói ghém một nội dung mới.
“Intellectuel” ra đời trong cuộc tranh luận sôi sục khiến xã hội Pháp bị chia thành hai phe đối lập, kéo dài suốt mấy năm liền. Rốt cuộc, chân lý đã thắng – dù do thiểu số khởi xướng. Và té ra “trí thức” không xấu xa như đa số từng nghĩ, mà ngược lại. Qua tranh cãi dân chủ, xã hội Pháp trưởng thành vượt bậc, dân trí Pháp mở mang chưa từng thấy.
Đến nay, mọi ấn phẩm nghiêm trang nói về xuất xứ, đặc trưng và định nghĩa trí thức… đều ít nhất đã tham khảo hai cứ liệu:
a) bài báo có tên Tuyên Ngôn của Trí Thức – là nơi “trí thức” chính thức xuất hiện.
b) thái độ và hành vi của nhân vật đứng đầu bản Tuyên Ngôn trên – người tiêu biểu cho phẩm cách trí thức.
Người đưa ra từ “trí thức” , tiến sĩ Clémenceau, vị thủ tướng tương lai, lúc này đang là chủ bút báo L'Aurore (Bình Minh) - nổi tiếng là tờ báo tiến bộ. Tuy nhiên, “trí thức” được xã hội chấp nhận không phải do học vị cao hoặc chức danh lớn của người sáng tạo ra nó. Nó sống khoẻ là nhờ bầu không khí dân chủ và tự do tiếp sinh lực cho nó. Vẫn biết, trước Zola từng có những người “có học” không khuất phục trước uy vũ; nhưng khi đó hàm lượng dân chủ và tự do trong xã hội chưa đạt mức để lớp “trí thức” ra đời.
Mọi chế độ độc tài từ thời phong kiến tới hiện nay đều sợ, nghi kỵ, ghét và kỳ thị trí thức (nhẹ nhất dùng những tên gọi khinh thị, thô tục), nhưng lại rất biết vuốt ve một số người “có học” tận tuỵ phục vụ và tâng bốc chính quyền. Mầm trí thức vừa nhú. lập tức bị hai chiếc còng trói cả chân lẫn tay, bất nhúc nhích.
Ngay ở xã hội dân chủ Pháp, “trí thức” ban đầu đã bị mỉa mai, chỉ trích
Mà lực lượng chỉ trích lại là đa số người “có học”. Họ càng lợi thế khi dẫn dắt dư luận của một khối dân chúng khổng lồ - dưới danh nghĩa yêu nước, yêu thể chế cộng hoà.
Thập niên 1890, nguy cơ chiến tranh với Đức đã hiển hiện, khiến dân Pháp đề cao và chiều chuộng hết mức giới quân sự, đồng thời rất lo lắng và cảnh giác với “bọn phản bội”. Công dân có gốc Do Thái càng dễ bị nghi ngờ.
Thì rất đúng lúc, toà án quân sự Pháp phát hiện và kết án đại uý Dreyfus là “gián điệp” (1894), Cả nước Pháp trút mọi giận dữ vào viên sĩ quan khốn khổ này (1894). Còn tên gián điệp thật, người Hung, vẫn chưa lộ mặt. Hỏi, ai dám lên tiếng bênh Dreyfus?
Rất ít người sáng suốt nhận ra những sai lầm của ngành Tư Pháp trong thủ tục điều tra và xét xử, từ đó đưa đến một bản án oan, nhưng lại được chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa bài Do Thái cực đoan làm che lấp đi. Rốt cuộc, Lập Pháp cũng bỏ phiếu bênh che bản án sai. Khi nhận ra sai, cả hệ thống không còn đủ can đảm sửa chữa nữa.
Trong bối cảnh trên, nhà văn Zola đã lên tiếng chống lại bản án. Bài báo “Tôi phản đối…” (J'accuse…) của ông - chiếm cả trang nhất báo L'Aurore số ra ngày 13-1-1898 - quả là việc thách thức dư luận. Tiếp, đến bức thư mang tính “tuyên ngôn” do Emile Zola và Anatole France đứng đầu thì quả là họ đã đổ dầu vào lửa, để hứng chịu mọi công phẫn của dân chúng đang được đa số giới “có học” khích lệ. Họ nhân danh Tổ Quốc, “thể chế” và lòng yêu nước để chống lại phe “trí thức” bằng mọi ngôn từ dè bỉu, miệt thị. Trong vô số những người “có học” chống lại nhóm Zola, hăng hái nhất là 3 vị Viện sĩ hàn lâm: Charle Maurras, Maurice Barrès và Ferdinand Brunetière – chưa kể 19 vị viện sĩ khác. Những bài báo của 3 vị này khiến nhóm “trí thức” bị nhìn bằng con mắt đầy khinh miệt. Không chỉ thế, còn nhiều cuộc biểu tình ủng hộ quân đội, toà án, chống Do Thái, bênh thể chế, với tiếng hô “treo cổ Zola”… đã nổ ra khắp nước Pháp.
Trong những năm dấn thân, Emile Zola thật sự bị đàn áp. Quốc Hội bỏ phiếu truy tố (312/122 phiếu). Riêng bài J'Accuse... đã đủ để ông bị kết tội vu khống, mức phạt ban đầu 3000 franc và có thể tù 1 năm (phải đi trốn). Gia sản bị tịch biên, huân chương bị thu hồi, mất hẳn cơ hội vào Viện hàn lâm… Ngay cái chết cũng bị nghi do ám sát.
Thái độ khi sử dụng những từ ngữ khoa học nhập nội
Trong khoa học tự nhiên hay xã hội, nếu chúng ta không sáng tạo được một từ hàm chứa một khái niệm mới về học thuật, thì cứ việc nhập nội mà dùng. Đó là quyền.
Nhưng phái có thái độ đúng - thể hiện sự lương thiện: a) phải biết ơn người sáng tạo ra nó; và b) phải tôn trọng nội dung “gốc” của từ ngữ.
Chúng ta có thể phát triển nghĩa “gốc” của từ để phù hợp với sự phát triển nhận thức chung. Đó cũng là quyền. Nhưng không được tuỳ tiện, thiếu cơ sở.
Thật khó hiểu, nếu trong một cuộc thảo luận về định nghĩa mà các ý kiến cứ bắt đầu bằng “theo tôi, nguyên tử là…”, hoặc “theo tôi, trí thức là…”.
Còn chuyện bóp méo khái niệm gốc của một từ, thậm chí biến trắng thành đen, tốt thành xấu… thì quả là thiếu lương thiện. Tự do, dân chủ, nhân quyền… đều mang ý nghĩa tốt, cao đẹp, được nhập nội từ châu Âu vào Việt Nam. Tác dụng tích cực của chúng là nâng cao dân trí, thúc đẩy cuộc đấu tranh chống áp bức, nô dịch. Và cả xây dựng xã hội tiến bộ (mà nơi sáng tạo từ ngữ đã đi trước chúng ta hàng trăm năm).
Do vậy, chớ nên nói hay viết “dân chủ kiểu tư sản”, “tự do kiểu phương tây” nếu với mục đích làm xấu một khái niệm vốn dĩ cao cả; gây hiểu lầm cho bạn đọc. Hồ Chí Minh không bao giờ làm như vậy.
Sức mạnh ngôn ngữ của số đông
“Người có học” là từ được số đông dân chúng sử dụng từ rất lâu nay - để chỉ lớp người có trình độ học vấn cao hơn hẳn mặt bằng chung. Nhưng nghe có vẻ bình dân quá. Ít oai. Đúng dịp, xuất hiện “trí thức”, nghe oai hơn hẳn, thay thế cho “người có học” – do vậy được số đông “người có học” sử dụng. Nó vào cả những từ điển phổ thông. Nghĩa gốc của “trí thức” đã bị ngôn ngữ số đông làm thay đổi đi. Trải nửa thế kỷ, nhiều người từ khi biết chữ đã được dạy trí thức đồng nghĩa “có học”. Tra từ điển cũng thấy thế.
Tuy nhiên, khi bàn về chức năng, sứ mệnh và phẩm chất cao cả ở một số người “có học” – khác với số đông, chúng ta lại phải tìm về nghĩa ban đầu của từ trí thức.
Do vậy, dẫu có hàng trăm ý kiến đang tồn tại – dù đó là của người thường hay người học hàm rất cao, thậm chí nằm trong một nghị quyết quan trọng - nhưng phân loại chúng rất dễ. Vì chúng chỉ gồm hai loại: theo nghĩa quen dùng, hay theo nghĩa gốc.
  • GS Nguyễn Ngọc Lanh

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

5 điều “Vua bóng đá Pele” không muốn ai biết

Pele – Vua bóng đá – người mà cả thế giới tôn sùng bởi tài năng và sự nghiệp đồ sộ. Song, con người thiên tài ấy không phải cái gì cũng đạt được.
5 điều “Vua bóng đá Pele” không muốn ai biết
"Vua bóng đá" Pele



Dưới đây là 5 điều mà “Vua bóng đá” không bao giờ muốn kể.

5. Pele không ghi được 1283 bàn như công bố

Theo “Vua bóng đá”, ông đã ghi được 1283 bàn thắng trong sự nghiệp bóng đá lẫy lừng. Tuy nhiên, gần một nửa trong số đó với 526 bàn được ông ghi ở những trận đấu không chính thức hoặc “đá đùa”. Ví dụ, Pele tính cả những bàn thắng trong trận giao hữu với CLB Sixth Coast Guard (Đội cảnh sát biển thứ 6). Tức là, Pele chỉ ghi được 757 bàn trong 812 trận đấu chính thức. Nếu tính bình quân, thì Pele còn kém nhiều so với thành tích của huyền thoại người Bồ Đào Nha, Fernando Peyroteo (ghi 331 bàn trong 187 trận).


Pele và kỷ niệm 1.000 bàn thắng

4. Pele không có tên trong các thống kê thành tích tại World Cup
Có thể nói, World Cup là giải đấu đỉnh cao, cấp độ đánh giá cao nhất đối với một đội bóng và cầu thủ. Tuy nhiên, trong các kỳ tích tại giải đấu này, “Vua bóng đá” đều vắng mặt.

A - Ghi bàn nhiều nhất trong các kỳ World Cup: Ronaldo (Brazil, 15 bàn)
B - Ghi bàn nhiều nhất trong trận CK World Cup: Geoff Hurst (Anh, 3)
C - Ghi bàn nhiều nhất ở một kỳ World Cup:     Just Fontaine (Pháp, 13)
D - Ghi bàn nhiều nhất trong 1 trận tại World Cup Oleg Salenko (Nga, 5 bàn)
E - Thi đấu nhiều trận nhất tại World Cup: Lothar Matthaeus (Đức, 25 trận)
F - Giành nhiều trận thắng nhất tại World Cup: Cafu, (Brazil, 16 trận)
G - Tham dự nhiều kỳ World Cup nhất: Antonio Carbajal (Mexico) và Lothar Matthäus (Đức) cùng 5 kỳ
H - Pele ở đâu?

3. Không chơi tốt ở mỗi kỳ World Cup
Pele góp mặt ở 4 kỳ World Cup, nhưng “Vua bóng đá” lại không phải là người chơi tốt nhất trong đội hình của Brazil mỗi kỳ. Tại VCK World Cup 1958, Pele hầu như không được ra sân. Sau đó, Pele dính chấn thương trong các kỳ World Cup 1962 và 1966. Tại World Cup 1970, Pele khỏe mạnh, nhưng đồng đội của ông, Jairzinho mới là người ghi bàn nhiều nhất cho Selecao với 7 bàn thắng.

2. Pele chỉ giành 2 chức Vô địch thế giới
“Vua bóng đá” có tên ở giai đoạn cực thịnh của bóng đá Brazil khi vô địch 3 trong 4 kỳ World Cup liên tiếp gồm 1958, 1962 và 1970 (gián đoạn năm 1966). Tuy nhiên, thực tế, Pele chỉ góp công trong 2 chức vô địch của Selecao. Bởi tại World Cup 1962 ông phần lớn ngồi ngoài. Chức vô địch World Cup 1962 có công lớn của Garrincha.


Pele và Garrincha

1. Pele tự phụ và một người không bạn bè
“Vua bóng đá” là đồng đội của 125 người trong sự nghiệp thi đấu. Trong đó, có rất nhiều cái tên huyền thoại của bóng đá Brazil cũng như thế giới. Ví dụ như hai cầu thủ hậu vệ nổi tiếng Carlos Alberto và Djalma Santos, hậu vệ trái huyền thoại Nilton Santos, hay như tiền vệ vĩ đại Rivelino. Đó là Chưa kể tới những Garrincha, Vava và Didi. Có điều, Pele không bao giờ xem họ là những người bạn thực thụ và ngang hàng, những người đã làm nền cho kỳ tích 1.000 bàn thắng cho ông.

Điều này trái ngược với Leo Messi. Khi bước lên bục dành “Quả bóng vàng FIFA 2011”, điều đầu tiên tiền đạo người Argentina nói là “cảm ơn” đồng đội và “tặng riêng Xavi”.
VÂN ANH - Bongdaplus.vn

Nguồn: http://bongdaplus.vn/Brazil/5-dieu-Vua-bong-da-Pele-khong-muon-ai-biet/40787.bbd